Chúa Nhật Lễ Lá năm B
® 22.03.2018 21:25 | 449 hits ®
Lễ Lá mời ta sống niềm vui Phục sinh đang khi cùng bước đi với Đức Giê-su trên lộ trình Thập Giá (15,39).
Hôm nay là lễ Lá, bắt đầu
Tuần Thánh. Phụng vụ Tuần Thánh mời gọi các tín hữu đồng hành với Đức Giêsu
trên lộ trình Thập Giá. Thật vậy lời Chúa trong suốt Tuần Thánh đều hướng về Thập
Giá Đức Ki-tô. - Trong
bài đọc 1 của thứ Hai, Ba, Tư, Sáu điểm nổi bật là dung mạo của Người Tôi Trung
đau khổ của sách Isaia đệ nhị. Người Tôi Trung đã gánh vác tội của dân; dùng sự
khổ đau, cái chết của mình để đem lại cho dân ơn giải thoát.
- Các
bài đọc Tin Mừng cũng đưa ra những trích đoạn mang nội dung chuẩn bị gần cho Thập
Giá Đức Ki-tô. Thứ hai nói về việc cô Maria xức dầu thơm báo trước ngày mai
táng Chúa Giê-su; thứ ba loan báo trước việc Giu-đa bội phản nộp Thầy (Ga
13,21) và việc Phê-rô chối Thấy (Mt 26,15,21.24-25); thứ sáu là Bài Thương Khó
của Đức Giê-su.
Tuy nhiên cả khối u buồn
của Tuần Thánh ấy lại được bọc trong 2 vầng sáng huy hoàng của vinh quang Phục
Sinh. Thật vậy, Lễ Lá khởi đầu bằng cuộc Rước Lá, gợi lại niềm hân hoan phấn khởi
của dân thành Giê-ru-sa-lem nô nức đón tiếp Đức Giê-su vào Thành Đô như một vị
Vua vinh thắng danh Đức Chúa… Hoan hô trên các tầng trời, và Tuần Thánh kết
thúc bằng đêm canh thức Vọng phục Sinh, ngôi mộ an táng Chúa, biểu tượng của sự
chết đã trở thành Dấu Chỉ của việc Đức Giê-su Phục Sinh.
Mầm phục sinh đã ẩn tàng
trong Thập giá và Thập Giá là con đường dẫn tới Phục Sinh.
Phụng vụ lễ Lá bao trùm cả
hai dấu chỉ trên. Thật vậy nghi thức Lễ Lá gồm: Kiệu Lá và Thánh Lễ.
1. Kiệu lá: cử hành bên ngoài nhà thờ gồm:
Làm
phép lá và phát lá đã làm phép cho tất cả người tham dự, là này sẽ được lưu giữ
tại các gia đình nhằm nhắc nhở Chúa Ki-tô vinh thắng.
Phụng
vụ Lời Chúa: ở đây chỉ đọc Tin Mừng, Năm A đọc Matthêu; Năm B đọc Maccô hoặc
Gioan; Năm C đọc Luca. Nội dung chung của cả ba năm đều nói về việc Đức Giê-su
vinh hiển tiến vào Giê-ru-sa-lem và được dân chúng tiếp rước như Đấng Mêsia, Vị
Thiên sai của Chúa. Kiệu
lá: đoàn tín hữu hân hoan bước theo Đức Giê-su trên lộ trình Thập giá vinh
quang. Đây là nghi thức đầy ý nghĩa khai mạc Tuần Thánh nhằm nhắc nhở, khích lệ
dân Chúa rằng Điểm Đến của Tuần Thánh, vốn bị bao phủ bởi bầu khí u buồn, là
VINH QUANG PHỤC SINH; còn khổ đau, cái chết chỉ là “CỬA KHẨU” phải bước qua để
đi vào cuộc sống mới.
2. Thánh lễ; cả ba bài đọc đều hướng về thập
giá vinh quang của Đức Giê-su. Bài đọc 1, là bài ca thứ 3 nói về Người Tôi
Trung (NTT) của Thiên Chúa. NTT đã sẵn sàng đáp lại dự tính của Thiên Chúa đối
với mình bằng thái độ LẮNG NGHE, không cưỡng lại, không thối lui; sẵn sàng đón
nhận mọi chống đối để cho Thánh Ý Thiên Chúa được thể hiện cho dù bản thân phải
“chịu đánh đòn”, “chịu giật râu”, “chịu phỉ nhổ”. Qua con đường khổ nhục, Thiên
Chúa đã đào tạo NTT nên một ngôn sứ môn đệ biết dùng lời để nâng đỡ những ai kiệt
sức. Bài
đọc 2, là trích đoạn Pl 2,6-11, tôn vinh Đức Giê-su đã vâng ý Cha, khiêm nhường
tự hạ cho đến cùng trong phần kìm người tội lỗi. Chính khi Người chịu chết và
chết trên Thập giá như một tử tội thì đó lại là lúc Thiên Chúa tôn vinh ngài, tặng
ban một danh hiệu siêu vượt trên tất cả đến nỗi khi nghe ĐẾN TÊN, tất cả mọi
loài trên trời dưới đất và trong âm phủ đều tôn vinh “Giê-su Ki-tô là Chúa”.
Còn
trong Bài Thương Khó, yếu tố được Mc sử dụng để mặc khải có tính thần linh của
Đức Giê-su chính là cái chết đau thương, tăm tối của Đức Giê-su trên Thập giá:
theo Mc, trên thập giá Đức Giê-su chỉ thốt ra lời duy nhất, một lời dường như
thất vọng: “sao Cha bỏ con, Lạy Cha!” và rồi trong phó thác, tối tăm “NGƯỜI GỤC
ĐẦU TẮT THỞ”. Chết như một Tử Tội. Chính ngay lúc đó, viên đại đội trưởng đứng
gần đó “THẤY ĐỨC GIÊ-SU TẮT THỞ NHƯ VẬY” liền nói “Quả thật Người này là CON
THIÊN CHÚA”. Bao lời rao giảng hùng hồn, bao phép lạ vĩ đại trong lúc sinh tiền
chẳng thu hút được ai lại còn gây nên chống đối. Chính cái chết cô đơn tức tưởi
của Người trên thập giá là YẾU TỐ CHÍNH tỏ lộ vinh quang Thần hiện của Người.
PHỤC SINH ẨN TÀNG TRONG THẬP GIÁ VÀ THẬP GIÁ MẶC KHẢI VINH QUANG PHỤC SINH.
Lễ Lá mời ta sống
niềm vui Phục sinh đang khi cùng bước đi với Đức Giê-su trên lộ trình Thập Giá
(15,39).
Frère Đình Long FSC
|